LƯU PHƯƠNG – THEO DÒNG LỊCH SỬ
Lượt xem: 287

Ngày 25/12/1948 cách đây tròn 75 năm, một sự kiện chính trị trọng đại đã diễn ra tại nhà đồng chí Trần Tiến Đồng ở xóm 9 xã Lưu Phương, đó là sự ra đời của chi bộ Đảng Lưu Phương, tiền thân của  Đảng bộ Lưu Phương ngày nay. Chi bộ Đảng cộng sản Lưu Phương ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân xã Lưu Phương, là mốc son đánh dấu bước ngoặt đáng tự hào về quá trình tham gia đấu tranh cách mạng của nhân dân lương – giáo xã Lưu Phương hòa vào tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chi bộ ra đời phát triển lớn mạnh thành Đảng bộ, đã vận động sáng tạo linh hoạt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn ở địa phương qua các thời kỳ cách mạng, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời kỳ cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu CNH –HĐH đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong 75 năm qua bằng sức lực và trí tuệ, bằng tinh thần cách mạng tiến công, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Lưu Phương một lòng đoàn kết, đồng thuận, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát trong chiến tranh, vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong lao động sản xuất, đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, những mốc son lịch sử đã làm rạng rỡ quê hương Lưu Phương.

Nhân ngày kỷ niệm truyền thống này, xin được gửi tới toàn thể cán bộ Đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã nội dung về chặng đường lịch sử mà Đảng bộ và nhân dân Lưu Phương đã đi trong suốt 75 năm qua.

Xã Lưu Phương nằm ở trung tâm của Huyện Kim Sơn, có vị trí quan trọng về quân sự, chính trị, có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, năm 1829 cũng như bao làng xã của huyện Kim Sơn, công lao khẩn hoang của nhà doanh điền sứ Uy viễn, Tướng công Nguyễn Công Trứ khai lập, đây là địa danh mới của vùng châu thổ sông Hồng. Trong lịch sử 184 năm địa danh hành chính xã Lưu Phương có nhiều thay đổi, khi mới thành lập hai ấp Lưu Phương có tên gọi là Lưu Hương.

Năm 1956 xã Lưu Phương có tổng chiều dài 12km, rộng 600m = 7,2km2

Năm 1977 cắt chuyển cho xã Kim Tân 33,9ha và 176 khẩu.

Năm 1987 cắt chuyển cho Thị trấn Phát Diệm 26,7ha đất thổ canh, thổ cư.

Năm 1993 cắt cho xã Thượng Kiệm 28 mẫu đất 2 lúa.

Năm 2008 cắt 28,6 ha diện tích 2 lúa để xây dựng khu hành chính mới huyện Kim Sơn.

Đến nay đất tự nhiên của toàn xã còn 657,8ha; trong đó đất 2 lúa là 392ha;

Dân số năm 1912 làng Phát Diệm có 1.245 người, làng Lưu Phương có 1060 người, đến năm 1956 xã Lưu Phương có 4245 người; đến tháng 10 năm 2018 toàn xã có 2450 hộ với 8460  khẩu, trong đó có 58% người theo đạo thiên Chúa giáo cư trú tại 14 xóm.

Dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc, cực khổ, diện tích 2 lúa nhà Trung và địa chủ chiếm 80% diện tích, nông dân chỉ còn 20%, chủ yếu đi làm thuê cho nhà chung và địa chủ, người nông dân phải chịu hàng trăm thứ thuế, đời sống vô cùng cực khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành, tỷ lệ mù chữ chiếm 90%.

Năm 1945 diễn ra nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người chết, trong đó dân xã Lưu Phương có hàng trăm người.

Có áp bức thì phải có đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều thanh niên xã Lưu Phương đã giác ngộ cách mạng, theo Đảng, theo Cách mạng, hoạt động, điển hình như đồng chí Trần Tiến Đồng, đ/c Trần Cao Đàm, đ/c Trần Kim Đính, Đ/c Trần Hữu Vị, Đ/c Trần Văn Thùy, đ/c Trần Văn Cầu, đ/c Trần Văn Nhường, đ/c Lê Tuấn Thiệu, đ/c Phạm Mai Khôi, đ/c Nguyễn Văn Toàn … Đặc biệt là phong trào hàng trăm nông dân đấu tranh biểu tình. Cách mạng ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã thành công, giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi toàn quốc, tại huyện Kim Sơn, chính quyền chế độ phong kiến Ngụy quyền bị tan rã, chính  quyền cách mạng của nhân dân được thành lập, nhưng còn non yếu, tình hình kinh tế, chính trị diễn ra hết sức hỗn loạn, thực dân Pháp quay lại tái chiếm nước ta lần thứ 2. Tiếp tục hậu thuẫn cho chế độ tay sai, ngụy quyền cướp lại chính quyền nhân dân và đàn áp khủng bố cách mạng cực kỳ dã man, cả nước lại đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngày 06/6/1947, Huyện ủy Kim Sơn được thành lập, Huyện đã cử cán bộ về giúp đỡ phong trào, gây dựng cơ sở kháng chiến, và giác ngộ một số thanh niên tiến bộ, đ/c Trần Cao Đàm được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngày 15/8/1948 tại chi bộ đường phố Kim Sơn. Ngày 25/12/1948, tại nhà đ/c Trần Tiến Đồng, đ/c Đoàn Thu Chương – Phó bí thư Huyện ủy thay mặt Huyện ủy Kim Sơn về công bố kết nạp 2 đồng chí Trần Hữu Vỵ và Đ/c Trần Văn Cầu vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời công bố quyết định thành lập Chi bộ Đảng cộng sản xã Lưu Phương, và chỉ định đ/c Trần Cao Đàm làm Bí thư chi bộ. Chi bộ Đảng cộng sản Lưu Phương ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân xã Lưu Phương – Phát Diệm. Từ nay phong trào cách mạng đã có Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng xã Lưu Phương.

Ngay sau khi thành lập chi bộ đã thảo luận và xác định nhiệm vụ trọng tâm phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng, vận động tổ chức đoàn thể cách mạng của Đảng, củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đặc biệt là công tác phát triển Đảng, năm 1949 đã phát triển kết nạp 13 đ/c vào Đảng, đưa đảng số của chi bộ lên là 16 đ/c. Từ khi có chi bộ Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Lưu Phương có nhiều chuyển biến tích cực, các tổ chức cứu quốc trong mặt trận Việt Minh được phát triển sâu rộng, các tổ chức dân sinh bước đầu được hình thành hoạt động, tạo niềm tin trong nhân dân.

Giai đoạn 1949 – 1954 chi bộ lãnh đạo chiến đấu trực tiếp chống thực dân Pháp và bọn tay sai. Kim Sơn là một địa bàn được Thực dân Pháp rất coi trọng, chúng cấu kết với bọn phản động lợi dụng đạo công giáo, thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt. Ngày 16/10/1949, thực dân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm – Lưu Phương, cấu kết với bọn phản động, Pháp đã nhanh chóng chiếm Kim Sơn, Lưu Phương – Phát Diệm là trọng điểm, đầu não của khu tự trị công giáo Phát Diệm, chúng đặt bộ máy kìm kẹp và hệ thống phòng thủ kiên cố và cẩn mật. Nơi đây diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, nơi mà cán bộ và nhân dân trực tiếp đối diện hàng ngày , hàng giờ với quân thù. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cơ sở cách mạng được phát triển rộng rãi. Từ 10 gia đình năm 1950 tăng lên 30 gia đình năm 1951 và đã xây dựng được trên 20 cơ sở ở vùng tự do ở Nga Thanh, Yên Mỹ, Yên Mạc, Tân Thành, Yên Lộc. Hội phụ nữ cứu quốc hoạt động sôi nổi, làm tốt công tác binh vận, vận động trên 120 con em không đi lính cho Pháp, đưa 26 thanh niên ra vùng tự do đi bộ đội, gọi hàng trăm thanh niên bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, nhân dân hăng hái  tham gia góp công lương, mua công trái, số tiền mua được 3.390kg thóc.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, đến này 01/01/1951: Chi bộ Đại hội lần thứ nhất với 21 đảng viên. Lịch sử chống thực dân Pháp và bọn tay sai phản động lợi dụng công giáo của nhân dân lương giáo xã Lưu Phương dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng là to lớn và đáng tự hào, quân và dân Lưu Phương đã tham gia dẫn đường cho bộ đội đánh 7 trận, bắt sống 30 tên giặc, hàng chục lần chống càn, võ trang, truyên truyền, nhiều lần cắt phá đường dây liên lạc, thu 25 súng trường, 2 súng ngắn, 40 quả lựu đạn, 3 hòn lựu đạn, 2 ra đi ô, bắt nhiều tên gián điệp, chỉ điểm, giác ngộ kêu gọi hàng trăm tên lính ngụy ra đầu thú, về với gia đình. Động viên 28 thanh niên đi bộ đội và nhiều thanh niên đi phục vụ chiến đấu. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Lưu Phương đã góp phần cùng với cả nước giải phóng miền Bắc, viết tiếp trang sử truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn 1954 – 1965 chi bộ lãnh đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xã Lưu Phương và Phát Diệm nằm ở trung tâm vùng tạm chiếm, nơi tập trung hoạt động của nhiều đảng phái, phản động nhất là bọn lợi dụng tôn giáo. Hậu quả để lại cho xã hết sức nặng nề trên tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa, xã hội, tư tưởng của nhân dân hoang mang lo sợ, bọn tội phạm đã âm mưu ngóc đầu dậy chống phá cách mạng điên cuồng, lợi dụng lòng tin kính Chúa, thần quyền giáo lý dụ dỗ hù dọa cưỡng ép “Chúa đã vào Nam”, chúng công khai nói xấu cách mạng, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước. Chỉ trong thời gian ngắn hàng vạn người dân đã dồn ép về Lưu Phương – Phát Diệm, làm cho không khí ngột ngạt, môi trường ô nhiễm, bệnh tật phát sinh, xã hội lộn xộn, nhân dân lương giáo hoang mang, cảnh biệt ly thật là thảm thương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chi bộ đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu rõ chính sách 8 điểm của vùng giải phóng, chính sách tôn giáo đại đoàn kết dân tộc, vạch rõ âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đấu tranh với tổ kiểm soát quốc tế và bọn phản động xã Lưu Phương – Phát Diệm, số người di cư vào Nam ở Lưu Phương – Phát Diệm có 850 hộ với 4500 khẩu, chủ yếu là giáo dân, đã vận động được 120 gia đình và hơn 200 người ở lại với gia đình.

Hậu quả của chiến tranh đã hết sức nặng nề, cuộc cưỡng ép di cư vào Nam của địch lại làm cho Lưu Phương – Phát Diệm chồng chất khó khăn, ruộng đồng bỏ hoang, xóm làng tiêu điều, gia đình ly tán, làng xóm chìm trong cảnh sợ sệt đau thương, chi bộ đã tập trung lãnh đạo động viên nhân dân chống di cư và giải quyết hậu quả của chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất bước sang xây dựng cuộc sống mới, xây dựng lực lượng dân quân du kích, đẩy mạnh hoạt động các tổ chức chính trị, ổn định đời sống nhân dân, tổ chức lại trường học, hoạt động thông tin văn hóa, bình dân học vụ.

Thực hiện mục tiêu cách mạng “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng” Lưu Phương lại tiếp tục cuộc cải cách ruộng đất năm 1956, đất canh tác chủ yếu nhà chung, địa chủ, phú nông quản lý 80% diện tích, dưới sự lãnh đạo của đội cải cách và chi bộ xã Lưu Phương đã giành thắng lợi, giai cấp địa chủ bị đánh đổ hoàn toàn, ruộng đất giao toàn bộ cho nông dân, khối liên minh công nông được tăng cường, làm cơ sở vững chắc cho mặt trận dân tộc thống nhất và chính quyền nhân dân, các tổ chức chính trị được củng cố phát triển, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có tiến bộ, củng cố tinh thần đoàn kết lương giáo, lòng tin với Đảng được tăng lên, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Năm 1958- 1960 chi bộ 3 lần tổ chức Đại hội tập trung xây dựng HTX nông nghiệp ở 13 xóm, chi bộ tập trung lãnh đạo ban quản trị các HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật, nộp thuế bán nghĩa vụ cho Nhà nước, đời sống của nhân dân được cải thiện, hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân, xây dựng  lực lượng dân quân tự vệ, phong trào giáo dục được quan tâm, công tác xây dựng Đảng được trú trọng, chính quyền được tăng cường, các tổ chức chính trị được củng cố phát triển, đảng số là 31 đồng chí.

* Thực hiện kế hoạch 5 năm  (1961 – 1965) lần thứ nhất:

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, Đảng bộ đã tiến hành 4 kỳ Đại hội, Nghị quyết của Đại hội là cải tạo phát triển sản xuất, giáo dục ý thức cần kiệm xây dựng HTX, xây dựng chính quyền và các đoàn thể, xây dựng Đảng, củng cố lại các HTX nông nghiệp, 8 HTX còn 3 HTX Hùng Cường – Phát Diệm – Cửu Long và thành lập HTX ngư nghiệp, mua bán, tín dụng phát triển toàn diện trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề.

Năng suất lúa năm 1961 là 630 kg/mẫu tăng 820kg/mẫu năm 1965, chăm lo củng cố và phát triển giáo dục cả 3 ngành, cấp 1 có 17 lớp với 470 học sinh, cấp 2 và 3 toàn xã có trên 200 học sinh; công tác y tế được coi trọng, phát động làm giếng nước nhà vệ sinh 2 ngăn; Phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc với nội dung 3 xây, 3 chống thực hiện 7 chỉ tiêu, công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm, phong trào thả bèo dâu được phát triển, tổ chức xây dựng cầu Thống Nhất qua sông Ân Giang, đào đắp thủy lợi nội đồng 10.000m3, và đã cấy được 130 mẫu cói chiếm 12% diện tích. Công tác chính quyền được tăng cường và các đoàn thể quần chúng, chính trị làm nòng cốt trong phong trào xây dựng HTX cấp cao. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Chăm lo công tác xây dựng Đảng về chính trị - tư tưởng, tổ chức.

Ngày 01/01/1963 chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ 7 tại Đại hội này BCH Đảng bộ huyện Kim Sơn đã quyết định công nhận chi bộ Lưu Phương thành Đảng bộ xã Lưu Phương gồm 55 đảng viên, sự kiện này là mốc son ghi nhận sự trưởng thành của Đảng bộ Lưu Phương về thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội – an ninh quốc phòng của địa phương.

* Giai đoạn 1965- 1975: Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng CNXH chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, chi viện chiến trường Miền Nam.

Bị thất bại, chiến tranh đặc biệt ở Miền Nam, Đế quốc Mỹ liễu lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân.

Từ năm 1965 đến tháng 12/1972 máy bay Mỹ đã đánh phá trên địa bàn xã nhà vào sân kho, trường học, nhà dòng mến  thánh giá Lưu Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, khu dân cư, khu hành chính, đường giao thông, chúng gây tổn thất nặng nề về người và của, bom đạn Mỹ đã giết hại chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tu sĩ. Trước tình hình diễn biến phức tạp, Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, bình tĩnh lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, chuyển mọi hoạt động của xã từ thời bình sang thời chiến, xây dựng phương án sơ tán nhân dân, phương án đánh trả máy bay địch, tăng cường củng cố hệ thống chuyên chính, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, quyết tâm đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện cho miền Nam để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966 “Không có gì quý hơn độc lập tự do” với phong trào hậu phương thi đua với tiền phương, thóc không thiếu một cân – quân không thiếu một người, Đảng bộ quan tâm xây dựng lực lượng dân quân du kích và trung đội trực chiến đã chiến đấu nhiều trận với máy bay địch, Đảng bộ phát động cao trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Thanh niên có  phong trào 3 sẵn sàng; Phụ nữ có phong trào 3 đảm đang; phụ lão có phong trào 3 chăm lo; thanh niên làm nhiều việc tốt, lực lượng dân quân du kích vững tay cầy, chắc tay súng, trên cánh đồng ruộng Lưu Phương nở hoa 5 tấn; Trong lĩnh vực kinh tế ngày 15/11/1965 HTX Phát Trung được thành lập với 68 hộ 222 khẩu chuyển sản xuất hàng chiếu cói xuất khẩu, mở ra hướng phát triển kinh tế ở địa phương, các nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, lương thực, thực phẩm tuyển quân đều hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhà nước giao.

Trong 10 năm từ 1965 đến 1975 Đảng bộ luôn coi trọng chăm lo xây dựng cơ sở đảng trên cả 3 lĩnh vực chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, kiểm tra, giúp cho Đảng bộ thực sự vững mạnh, luôn đạt tiêu chuẩn 4 tốt. Đảng bộ diễn ra 07 lần Đại hội từ Đại hội 10 đến Đại hội 16, từng Đại hội đã nghiêm túc đánh giá những kết quả đã làm được, những yếu kém tồn tại cần khắc phục,, đề ra nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, vì vậy Đảng bộ luôn được cấp trên công nhận Đảng bộ vững mạnh, hoàn thành tốt, các tổ chức chính trị xã hội đều đạt tiên tiến xuất sắc, phụ nữ 3 đảm đang, lực lượng quân sự địa phương 10 năm liền đơn vị quyết thắng – lá cờ đầu về tuyển quân.

Nhìn lại 10 năm đánh Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Lưu Phương vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đã viết lên trang sử vàng chói lọi, biểu hiện cho đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã cùng với cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tổng kết 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc xã Lưu Phương có 453 người tham gia quân đội, đã có 84 đồng chí anh dũng hy sinh được công nhận là Liệt sĩ; 102 thương, bệnh binh; có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 24 người nhiễm chất độc đi ô xin; 30 thanh niên xung phong; Thực hiện Quyết định 142 của Chính phủ đã có 75 đối tượng được hưởng chế độ trong kháng chiến và Quyết định 62 của Chính phủ có  36 đối tượng được hưởng chế độ.

 Đóng góp 3535 tấn 356 kg lương thực, 188 tấn 288kg cói, 188 tấn 288 kg thực phẩm; 565.789 quả trứng; 82 kg đường; 11.000 đồng; 120 hộp sữa; 120m vải; hàng nghìn ngày công đào đắp công sự;

Đảng bộ và nhân dân xã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

01 Huân chương kháng chiến hạng hai – 01 huân chương kháng chiến hạng ba

01 Huân chương lao động hạng ba – 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  và nhiều cờ thưởng, bằng khen của Tỉnh của huyện.

Có 523 người được tặng thưởng Huân chương, Hạng nhất 30 người; hạng nhì 53 người; hạng ba 239 người; Huy chương các loại 191 người.

Những phần thưởng cao quý trên là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, với những đóng góp của  Đảng bộ và nhân dân trong xã, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Lưu Phương xác định việc kế thừa và phát huy truyền thống cao quý ấy là trách nhiệm lớn lao của tất cả cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong xã, để tiếp tục phấn đấu xây dựng xã Lưu Phương phát triển toàn diện và bền vững./

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập