Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân
Lượt xem: 103

         Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; nhằm góp phần đảm bảo chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trục lợi an sinh xã hội, vừa qua, UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 28/11/2024 về đẩy mạnh tuyên truyền chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Kim Sơn. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

         Thời gian qua, việc sử dụng chi trả bằng tiền mặt đã nảy sinh nhiều bất cập như: bất tiện khi giao dịch với số lượng lớn, độ an toàn không cao cũng như bảo quản khó khăn. Chính vì vậy cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đã thúc đẩy việc mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều lợi ích. Các tiện ích của tài khoản ngân hàng khi thực hiện chi trả ưu đãi ASXH không dùng tiền mặt đối với người dân, cụ thể:

         - Về thời gian được nhận chi trả ưu đãi xã hội: Người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH, nhận chi trả ưu đãi xã hội được đảm bảo nhận ưu đãi đúng thời gian, các trường hợp thụ hưởng, số tiền theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp; công tác tổ chức chi trả được thực hiện một cách khoa học và hợp lý để người nhận không phải xếp hàng chờ đợi lâu.

         - Việc thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chuyển tiền nhanh chóng chính xác, không cần kiểm đếm dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân, thanh toán hàng hóa, dịch vụ mọi lúc mọi nơi.

         - Công tác chi trả ưu đãi ASXH được thực hiện bởi các đơn vị nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích đảm bảo tính chuyên nghiệp, được quản lý thống nhất, đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp.

         Theo đó, UBND huyện yêu cầu 100% các đối tượng hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công, bảo trợ xã hội, đối tượng khác đủ điều kiện ở các xã, thị trấn được hưởng chính sách an sinh xã hội được lập tài khoản và được chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội thông qua tài khoản đảm bảo tiện ích, an toàn.

         Theo thống kê ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn xã Lưu Phương hiện có 137 đối tượng người có công, 353 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền chi trả hàng tháng là 681.806.000đ.

         Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là xu hướng ứng dụng trong chuyển đổi số, đồng thời, từng bước cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

         Về phương thức thanh toán, việc chi trả ưu đãi an sinh xã hội được thực hiện bởi các đơn vị Nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích đảm bảo tính chuyên nghiệp. Đặc biệt là được quản lý thống nhất, đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Với chủ trương của Đảng, Nhà nước là “đem lại lợi ích tối đa cho người dân".

         Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cũng đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt. Sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau". Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh.

         Bên cạnh những thuận lợi, thực tế ghi nhận quá trình triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cũng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ về cơ sở vật chất, hạ tầng, đường truyền... Các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế... gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thiết bị di động để làm công cụ giao dịch. Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em... cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền.

         Để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người hưởng chính sách khi tiếp cận dịch vụ này (như việc đi lại rút tiền, hỗ trợ phí quản lý tài khoản hàng tháng....), trước mắt UBND tỉnh, huyện đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn để phục vụ người dân, vận động miễn phí mở tài khoản, miễn phí quản lý tài khoản năm đầu, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển sang sử dụng tài khoản để thanh toán, thu chi không dùng tiền mặt.

         Đối với các trường hợp già yếu không có khả năng tiếp cận dịch vụ này, muốn ủy quyền cho người thân đại diện hợp pháp, UBND xã chỉ đạo cán bộ tư pháp hướng dẫn trình tự, thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật. Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký nhận chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, người dân có thể liên hệ với UBND, Công an xã nơi cư trú để được hướng dẫn, hỗ trợ.

         Thanh toán không dùng tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0, là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng như góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ./.

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập