Số hóa di tích Đình làng Lưu Phương xóm 5A
Lượt xem: 190

         Đền Lưu Phương (còn gọi là đình Lưu Phương) hiện ở xóm 5A xã Lưu Phương, cách thị trấn Phát Diệm 2km về phía Tây Bắc.

         Đền Lưu Phương được xây dựng trong khoảng thời gian khi ấp Lưu Phương, ấp Phát Diệm được hình thành (1829-1835), trước kia được xây dựng gần đường qua Sông Yêm. Đến năm 1916 chuyển đến vị trí như ngày nay.

         Đền Lưu Phương thờ Triệu Quang Phục và các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ là những người có nhiều công lao chiêu dân, lập ra ấp Lưu Phương, ấp Phát Diệm. Chiêu mộ ấp Lưu Phương là ông Phạm Thanh Lý, thứ mộ là ông Nguyễn Văn Niên, chiêu mộ ấp Phát Diệm là ông Nguyễn Chí, cùng quê ở Trà Lũ nay là xã Xuân Phương, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

         Đền gồm cổng Tam quan 3 tầng 8 mái và đền thờ. Đền Lưu Phương có kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, mái lợp ngói nam, quay hướng nam gồm 4 toà (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đề tứ) phong cách thời Nguyễn đặc sắc.

         Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền làng là nơi hội họp của chi bộ xã và nắm bắt tình hình hoạt động của cán bộ các xã, huyện phụ cận, trong vùng địch tạm chiếm. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khu gò phía Đông Nam đền là trận địa trực chiến phòng không, cây đa lớn sân đền làm vị trí đặt đài quan sát của dân quân trực chiến xã, thường xuyên nắm tình hình báo cáo về huyện. Đền Lưu Phương còn là nơi đặt kho vải vóc của huyện Kim Sơn.

         Đền Lưu Phương hiện còn lưu giữ được một số hiện vật quý từ thời nhà Nguyễn như: Long đình, Long cung, Tượng thờ bằng gỗ, Câu đối, đại tự, 9 sắc phong...

           Hàng năm, tại di tích diễn ra các ngày lễ, trong đó tiêu biểu là các ngày: Ngày mồng 6 tháng Giêng lễ đản nhật Triệu Việt Vương, Ngày mồng 10 tháng 2 lễ đản nhật nhị vị đại vương, Ngày 14 tháng 8 lễ kỷ niệm Đức Tiên Đế…Trong đó, ngày 14 tháng 8 là ngày lễ hội lớn nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 (ÂL) với các hoạt động tế lễ, thi đấu các trò chơi dân gian như: cờ tướng, cờ người, chọi gà…

         Được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, di tích đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, cho nên di tích lúc nào cũng khang trang sạch đẹp, các đồ thờ tự được bảo vệ cẩn thận. Năm 2005 đền Lưu Phương được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

          Những thông tin liên quan đến di tích, du khách thập phương và người dân sẽ dễ dàng được tiếp cận khi về dâng hương, thăm quan và chiêm bái bởi Đình Lưu Phương là 1 trong 4 điểm trên địa bàn huyện Kim Sơn được “Số hoá dữ liệu di tích lịch sử - văn hoá”. Công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về địa chỉ, địa danh khu di tích Đình Lưu Phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân và du khách có thể nhanh chóng tiếp cận toàn bộ nguồn dữ liệu từ thông tin, hình ảnh, nguồn gốc ra đời, quá trình xây dựng khu di tích lịch sử thông qua việc quét mã QR code. Bằng việc số hóa những thông tin về di tích lịch sử và sử dụng phương thức tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả thông qua máy điện thoại thông minh là công cụ đắc lực trong việc giới thiệu, quảng bá những thông tin về khu di tích lịch sử tại Đình làng. Công trình cũng thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương.

anh tin bai

Biển quét mã QR Code được đặt ở vị trí dễ nhìn, thuận tiện cho người dân, du khách tra cứu thông tin về di tích

anh tin bai

(Ảnh: st)

         Số hóa di tích Đình làng là hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, từng bước góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn xã. Số hóa giúp bảo tồn, lưu giữ những di tích của địa phương, quảng bá đến du khách trong và ngoài huyện, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu để người dân được tiếp cận các mô hình chuyển đổi số.

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập